Đặc điểm của giao tử Giao_tử

  1. Giao tử có bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n), không gồm các cặp tương đồng, trong đó mỗi nhiễm sắc thể chỉ có 1 nguồn gốc (nhận từ bố thì không nhận được từ mẹ và ngược lại).
  2. Khi 2 giao tử đơn bội kết hợp với nhau trong thụ tinh, tạo ra hợp tử có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n), có thể minh hoạ dưới dạng sơ đồ là: ♂n + ♀n = 2n (hợp tử).
  3. Giao tử là tế bào duy nhất có khả năng thụ tinh, từ đó tạo ra cơ thể con, nhưng mỗi giao tử riêng biệt không thể tạo ra cơ thể con.
  4. Giao tử là kết quả của quá trình phát sinh giao tử, trong đó bắt buộc phải trải qua giảm phân.
  5. Giao tử không thể tiến hành phân bào được nữa. Nếu đã được tạo thành, giao tử không được dùng trong thụ tinh có thể sẽ tồn tại khá lâu, nhưng rồi cũng bị huỷ ở trong cơ thể chứa chúng.
  6. Trong hai loại: giao tử đực (♂) và giao tử cái (♀), thì ♀ có kích thước lớn hơn hẳn ♂, do dự trữ nhiều chất dinh dưỡng để cung cấp cho hợp tử (nếu sẽ có) phát triển trong giai đoạn đầu khi chưa có nguồn dinh dưỡng bên ngoài (do mẹ cấp hoặc lấy ở môi trường ngoài).
  7. Nếu giao tử đực có thể tự di động (bơi) trong môi trường nước, người ta gọi là tinh trùng; nếu không tự "đi" được thì gọi là tinh tử. Do đó, giao tử đực của động vật là tinh trùng, còn giao tử đực của hầu hết thực vật là tinh tử. Tuy nhiên, cũng có nhiều loài thực vật có tinh trùng.[10]